Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
313 người đã bình chọn
1112 người đang online

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Bài 3: Cần gì để thành công

Đăng ngày 25 - 08 - 2022
100%

Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên CĐS. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và CĐS trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước. Với ý nghĩa đó, cùng với các địa phương trong cả nước, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và nhập cuộc với quyết tâm cao, đầu tư xứng tầm nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện.

Những nhân tố quyết định

Nền tảng cơ bản của CĐS trong giáo dục dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương, chính sách và đội ngũ cán bộ, giáo viên, người học... Trong đó trước hết, đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục (CSGD) và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng số để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó. Nếu như ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, CĐS yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và có thể tiếp cận được trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Và đương nhiên đường truyền internet ổn định là yếu tố cần phải có để quá trình CĐS mang lại hiệu quả. Tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) - đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh, việc CĐS đã góp phần làm thay đổi toàn diện công tác điều hành, quản lý dạy - học và tư duy của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Để thực hiện mô hình “trường học thông minh”, nhà trường đã được đầu tư 1 phòng học thông minh cấp độ 1 và 6 phòng cấp độ 2, trong đó phòng cấp độ 1 được trang bị máy chủ dành cho giáo viên, 1 bảng tương tác và 35 máy tính dành cho học sinh (HS); 6 phòng cấp độ 2, gồm có 6 bảng tương tác để kết nối với máy tính của giáo viên...; tất cả HS, giáo viên đều có một mã định danh riêng trên hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà trường, khi cần có thể truy xuất bất cứ lúc nào. Đối với hoạt động giảng dạy, ngoài 2 phòng học thông minh, tất cả các phòng học của nhà trường đều được trang bị máy chiếu, sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống wifi phủ toàn trường tạo thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin. Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ, CĐS đã đem lại hiệu quả to lớn cho việc cải cách giáo dục. Đối với hoạt động giảng dạy của nhà trường, được sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hoạt động của phòng học thông minh mang lại kết quả và chất lượng giáo dục rất cao, giúp cho giờ học sinh động, tạo được sự thích thú, hứng khởi học tập của HS, giúp cho các hình thức tổ chức dạy học trở nên gọn nhẹ, đơn giản, không cồng kềnh, gắn kết, gia tăng sự tương tác giữa giáo viên và HS... Qua thống kê, hiện nay các CSGD trong tỉnh đều được kết nối internet cáp quang phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở hạ tầng, thiết bị CNTT, phần mềm ứng dụng đã được sử dụng để dạy học và hỗ trợ cho công tác quản lý của nhà trường. Phần lớn các CSGD đều có từ 2 đường truyền internet trở lên; các trường đều có wifi phục vụ kết nối. Số lượng phòng máy tính dùng dạy môn Tin học đáp ứng 51,6% nhu cầu; các cấp học có dạy Tin học theo chương trình phổ thông 2018 đáp ứng 63,1% nhu cầu. 100% CSGD sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục của Bộ GD&ĐT; 96,4% CSGD sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (Vnedu hoặc Smas)... Cùng với cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, việc thay đổi tư duy và thói quen tại các CSGD được xem là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của CĐS trong giáo dục. Trên diễn đàn về CĐS trong GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng nhấn mạnh: “Con người phải thay đổi để thích nghi thì CĐS mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây HS, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án, đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng HS”. Ở một góc độ khác, nhiều người cho rằng, CĐS sẽ không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải hình dung được họ sẽ nhìn thấy HS của mình học tập như thế nào nếu không trực tiếp gặp mặt và họ có thể nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học. Do đó giáo viên cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy trên nền tảng số. Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để thực hiện CĐS, nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Giáo dục Thanh Hóa đang gặp không ít khó khăn về đội ngũ giáo viên Tin học cũng như khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học của một bộ phận cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm cho cán bộ, giáo viên tại các CSGD, cơ quan quản lý giáo dục; tập huấn việc sử dụng sổ sách điện tử trong quản lý nhà trường, quản lý giáo dục, soạn bài giảng điện tử, khai thác dữ liệu phục vụ dạy học; xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông phục vụ quản lý giáo dục của toàn ngành. Thêm một yếu tố quan trọng quyết định ý nghĩa, thành công của CĐS trong giáo dục đó là việc sẵn sàng tiếp nhận của người học. Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa, cho rằng: Chúng ta đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực, nhưng người học chưa chủ động tiếp nhận, hoặc chưa đủ điều kiện để tiếp nhận thì việc CĐS cũng sẽ khó “về đích” như kỳ vọng.

Chiến lược cho sự thành công

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để thực hiện hiệu quả CĐS trong toàn ngành, Sở GD&ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng hạ tầng CNTT trong các cơ quan quản lý và CSGD đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và triển khai các nền tảng, ứng dụng, học liệu dùng chung trong toàn ngành giáo dục. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số tại các cơ quan quản lý và CSGD; đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Đến năm 2030 đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số, hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia. Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị ứng dụng CNTT và CĐS trong toàn ngành; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin các hệ thống số hóa, bảo đảm an toàn trong các hoạt động dạy - học và làm việc trên môi trường số. Ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; có chính sách hỗ trợ dịch vụ internet cho người học và đội ngũ giáo viên; có chính sách máy tính phù hợp cho HS; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học... Cũng theo ông Lựu, ngành đang tham mưu cho tỉnh đầu tư khoảng 600 phòng máy vi tính phục vụ dạy môn Tin học theo hướng tiếp cận phòng học thông minh, mỗi phòng gồm: Máy vi tính nối mạng LAN, internet, tivi, camera, hệ thống âm thanh phục vụ dạy học trực tuyến, bảng trượt... Các phòng máy đủ khả năng kết nối với nhau để tạo thành hệ thống đào tạo trực tuyến có khả năng tương tác đa chiều phục vụ dạy học, tập huấn... với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đầu tư khoảng 1.355 phòng học thông minh phục vụ dạy học, mỗi phòng gồm máy vi tính chuyên dụng đồng bộ với màn hình tương tác thông minh nối mạng internet, màn hình tương tác thông minh 86 inch, camera, hệ thống âm thanh phục vụ dạy học trực tuyến, bảng trượt... với tổng kinh phí khoảng 275 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ đầu tư hệ thống đào tạo, họp trực tuyến liên thông giữa sở, phòng và các CSGD đủ khả năng làm phòng họp trung tâm, kết nối với các CSGD tại địa phương, tạo thành hệ thống họp, tập huấn của hệ thống giáo dục tại mỗi địa phương và kết nối với địa phương khác. Đầu tư triển khai các phần mềm và cơ sở dữ liệu, như: phần mềm quản lý nhà trường ASC, xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, phổ thông của tỉnh; hệ thống phần mềm quản lý công tác kiểm định trường học liên thông từ các CSGD liên thông tới phòng, sở; phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý kho bài giảng trực tuyến, học liệu số dùng chung... Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song kết quả bước đầu trong thực hiện CĐS đã, đang giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, từ công nghệ và ứng dụng công nghệ, diện mạo ngành giáo dục đang thay đổi từng ngày, từng giờ trên nền tảng số. Không phải là “cây đũa thần” để giải quyết mọi vấn đề giáo dục, nhưng trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từ thực tiễn, CĐS đang là xu thế tất yếu đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải nỗ lực để triển khai thực hiện. Với quyết tâm cao của toàn ngành và sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của các cấp, ngành, các thầy, cô giáo, HS và phụ huynh, tin rằng mục tiêu CĐS trong ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ được hiện thực hóa, từng bước đổi mới toàn diện, hiệu quả, góp phần triển khai thành công Chương trình CĐS của tỉnh, của quốc gia.

<

Tin mới nhất

Tài liệu phiên họp chuyển đổi số(28/12/2023 3:50 CH)

Đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số(09/12/2023 4:53 CH)

Luật Căn cước hướng đến Chuyển đổi Số, phục vụ tốt hơn cho người dân(08/12/2023 4:55 CH)

Doanh nghiệp cần quan tâm nắm bắt sớm cơ hội chuyển đổi số(02/12/2023 4:57 CH)

Thôn thông minh giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống(29/11/2023 4:59 CH)

Xã Trung Hạ tập huấn hướng dẫn đăng ký, kích hoạt chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA-3K cho người dân(29/11/2023 9:04 SA)

Thông tin đầu mối tiếp nhận thông báo sự cố an toàn thông tin mạng huyện Quan Sơn(28/11/2023 3:07 CH)

Xã Mường Mìn tập huấn hướng dẫn đăng ký, kích hoạt chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA-3K cho người dân(24/11/2023 10:52 SA)

Ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý khám, chữa bệnh(21/11/2023 5:01 CH)

Công nghệ thông tin “chắp cánh” cho du lịch(02/11/2023 5:09 CH)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn(01/11/2023 5:04 CH)

Thủ tướng: Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi(15/10/2023 5:07 CH)

BỘ NHẬN DIỆN HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10.10.2023(09/10/2023 7:19 SA)

Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa: Chuyển đổi số thay đổi tư duy và hành động(25/09/2023 5:20 CH)

Giao lưu thúc đẩy chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên(22/09/2023 4:47 CH)

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian nghỉ lễ 2-9(31/08/2023 4:45 CH)

    °