Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 26-28/9/2023, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã liên tục xảy ra mưa lớn gây ra lũ lụt, sạt lỡ đất... làm thiệt hại cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật nuôi và cả tính mạng người. Để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân, huyện Quan Sơn huy động tổng lực các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau mưa lũ nhằm sớm ổn định đời sống cho Nhân dân


Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Quang thị sát các lồng cá của người dân nuôi trên lòng hồ thủy điện bị thiệt hại do mưa lũ và kiểm tra mức độ an toàn của đập thủy điện Trung Xuân


Thực hiện chỉ đạo của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 5020/SNN&PTNT-TT&BVTV, ngày 28/9/2023 về việc khắc phục thiệt hại, khôi phục và ổn định sản xuất sau ảnh hưởng của mưa lớn và tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện Quan Sơn khẩn trương chỉ đạo, triển khai các phương án khắc phục hậu quả mưa lũ tại các xã chịu thiệt hại nặng, nhằm sớm ổn định đời sống cho Nhân dân.


Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện, tính đến 16 giờ, ngày 29/9/2023 trên địa bàn huyện Quan Sơn có 42 hộ bị ảnh hưởng do đất, đá sạt vào nhà gồm các xã, thị trấn: Trung Thượng 01 hộ; Trung Tiến 06 hộ; Sơn Hà 10 hộ; Na Mèo 05 hộ; Tam Lư 07 hộ; Tam Thanh 07 hộ; Trung Hạ 03 hộ và thị trấn Sơn Lư 03 hộ. Thiệt hại về giao thông, thủy sản, nông nghiệp: Sạt lở đất tại km 145+600, Quốc lộ 217 qua thị trấn Sơn Lư; sạt lở ta luy dương tại Km 3+050; km 7+00 đường giao thông liên xã Sơn Lư - Tam Lư; km 6+00; km 7+00 đường tuần tra biên giới đoạn qua xã Mường Mìn, khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 650 m3; cuốn trôi 14 lồng cá của 13 hộ trên lòng hồ thủy điện Trung Xuân, ước thiệt hại khoảng1,2 tấn cá các loại; diện tích ao cá bị ngập (vỡ) 2.060 m2, thiệt khoảng 2.050 kg cá các loại; một số diện tích lúa đang vào trà thu hoạch bị ngập, đổ 25 ha; Sạt lở 15 mét mương Lế, bản Bơn và cuốn trôi 5 đoạn ống cống tại đập Nà Úm, bản Yên, xã Mường Mìn.



Trên địa bàn huyện hiện tại vẫn có mưa rải rác ở một số nơi, tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống cho người dân vẫn đang được triển khai một cách tích cực, khẩn trương. Huyện huy động mọi lực lượng giúp Nhân dân thu hoạch một số diện tích lúa đã chín và cây trồng vụ Thu Mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt nảy mầm trên bông, đồng thời, tiêu kiệt nước mặt ruộng để thuận lợi cho bà con thu hoạch lúa và triển khai làm đất, gieo trồng cây mầu vụ đông. Bên cạnh đó, tại xã Trung Xuân, chỉ dẫn người dân tiến hành kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao và di chuyển hệ thống lồng nuôi cá đến nơi an toàn.
Đồng thời hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị mất tích và các gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.
Phân công cán bộ chuyên môn bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc, khôi phục sản xuất.
Thu Huệ
Trung tâm VHTT, TT&DL huyện