Quan Sơn là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, với nhiều nét đặc sắc trong văn hóa và tiềm năng du lịch. Những năm qua, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh vùng biên giới, huyện Quan Sơn đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng.
Quan Sơn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng với bề dày lịch sử, văn hóa phong phú. Huyện sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước, như: Di tích lịch sử cách mạng Tư Mã Hai Đào (xã Sơn Thủy), di tích lịch sử cách mạng cầu Phà Lò (xã Trung Thượng), cùng với các danh thắng nổi tiếng như Pha Dùa, động Bo Cúng (xã Sơn Thủy), hang Quen (xã Trung Thượng), động Nang Non (thị trấn Sơn Lư), thác bản Nhài (xã Sơn Điện), thác bản Xày, cùng những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh thủy mặc. Đặc biệt, Lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2022, cùng với các câu chuyện truyền thuyết như chuyện tình Pha Dua và những tri thức dân gian, món ăn đặc sắc của dân tộc Thái.
Với những lợi thế đó, huyện Quan Sơn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, các Đề án như: "Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", "Phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030" đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai rộng rãi đến các cơ quan, phòng ban, xã, thị trấn trong huyện.
Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống như Lễ hội Mường Xia, các chợ phiên vào cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật), điểm giao lưu văn nghệ ẩm thực Hát Tong, đã được duy trì và phát huy. Huyện cũng đã thành lập các đội văn nghệ thôn, bản, tổ chức các lớp truyền dạy khèn bè dân tộc Thái, và các lớp hướng dẫn hoạt động đội văn nghệ. Hằng năm, huyện tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc thiểu số trong Lễ hội Mường Xia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các trang phục dân tộc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, huyện đã ban hành Đề án số 05/ĐA-UBND, ngày 13/8/2024 về bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn giai đoạn 2024-2030, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng quy chế mặc trang phục dân tộc vào hai ngày trong tuần và đưa vào hương ước, quy ước bản, khu phố việc mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ tết.
Về công tác phát triển du lịch, huyện đã tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng các điểm đến du lịch như Khu du lịch động Bo Cúng, điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm động Bo Cúng, tôn tạo cảnh quan Đền thờ Tư Mã Hai Đào, và xây dựng đường giao thông đến Thác bản Nhài. Huyện cũng tiếp tục phát triển Cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi, xây dựng tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng cho Quan Sơn. Đến nay, huyện đã có 3 di tích cấp tỉnh và 1 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2022, Lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về đất và con người Quan Sơn cũng được huyện đặc biệt chú trọng, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, huyện cũng tổ chức khai thác hiệu quả các tuyến du lịch và hợp tác với các công ty du lịch lữ hành để đưa khách đến địa phương.
Công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch cũng luôn được huyện quan tâm. Huyện đã kêu gọi người dân đầu tư vào dịch vụ homestay, xây dựng các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách. Hằng năm, huyện mở các lớp bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn về các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, đồng thời tổ chức tham quan học tập các mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 2 khách sạn, 5 nhà nghỉ và 12 cơ sở lưu trú homestay tại các khu vực thị trấn Sơn Lư và các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Trung Hạ. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã đón gần 80.000 lượt khách du lịch, với doanh thu ước đạt gần 30 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu từ du lịch còn hạn chế, nhưng đây là bước đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và lao động của huyện.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Quan Sơn phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch sẽ đạt 20.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.000 lượt. Huyện sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa, tập trung phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Huyện phấn đấu trở thành một điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm của tỉnh Thanh Hóa và là một phần trong chuỗi du lịch liên kết vùng, đặc biệt là tuyến du lịch Thanh Hóa - Hủa Phăn./.