Hội nghị trực tuyến toàn Quốc Chính phủ với địa phương về tăng trưởng kinh tế năm 2025
Sáng 16/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Điểm cầu tại Hà nội
Dự hội nghị có: các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước; các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách.
Điểm cầu tại xã Quan Sơn
Dự hội nghị, tại điểm cầu xã Quan Sơn có các đồng chí Lương Thị Hạnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy,Chủ tịch HĐND xã Quan Sơn; Vi Thị Trọng -Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã; Trưởng các ban Đảng, các phòng chuyên môn UBND xã và các đơn vị liên quan.


Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh... có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta. Theo báo cáo, có 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025. Thứ nhất, những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới. Thứ 2, áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024. Thứ 3, tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù. Thứ 4, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thứ 5, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Thứ 6, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài..., tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Thứ 7, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế. Thứ 8 chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.



Về tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/01/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%). Đến ngày 31/01/2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.
Tại hội nghị, các địa phương, bộ ngành đã tham gia thảo luận, phân tích giải pháp, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy - điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả tốt giúp tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính Kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Ông khẳng định: “chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực, phải phát huy trách nhiệm với lịch sử, với Đảng, Nhà nước, với Nhân dân, quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới”.
Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm mới để tạo động lực phát triển mới, huy động nguồn lực từ Nhân dân, vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, ý chí, kiên cường, không khuất phục trước bất cứ khó khăn, thách thức nào, mà càng khó khăn, thách thức lại càng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức cũng chính là vượt qua chính mình; phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Tiếp tục đổi mới tư duy, cách quản lý kinh tế để tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong năm 2025, chúng ta phải tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm trọng đại để tăng cường giáo dục truyền thống, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tự tin, khát vọng phát triển; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an toàn, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...