Đền thờ Tư Mã Hai Đào

Đền thờ Tư Mã Hai Đào, thuộc bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn là công trình tín ngưỡng tâm linh tiêu biểu của người Thái trên đất Mường Xia.

Tư Mã Hai Đào là cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mọi người thường gọi cậu là Hai Đào vì cậu là con thứ hai và được sinh ra tại Mường Đào (nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước). Thuở thiếu thời phải đi ở chăn trâu cho nhà quan Lang, song Hai Đào tỏ ra là một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát; giỏi luyện kiếm, bắn cung. Lớn lên Hai Đào có dáng người cao lớn, tướng mạo phi phàm, tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội thi võ, chiêu mộ anh tài cho đất nước, Hai Đào được quan Lang cho theo lên kinh kỳ, dâng sớ tấu trình tham gia hội thi năm ấy. Trên võ đài, Hai Đào liên tục thắng trận khiến cho bao người phải trầm trồ thán phục. Và cũng từ đây, chàng trai miền sơn cước đã lọt vào mắt xanh của công chúa. Chuyện đến tai, vua cho đòi Hai Đào vào yết kiến. Thấy tướng mạo phi phàm của chàng trai, nhà vua liền đồng ý tác thành cho đôi lứa, rồi truyền thầy đồ vào dạy học cho Phò mã. Nhờ vậy, Hai Đào trở thành người văn võ song toàn. Cảm tạ ân đức của nhà vua và tình yêu của công chúa, Hai Đào nguyện đem hết sức mình ra phò vua giúp nước. Lúc bấy giờ, tại vùng biên giới phía tây Thanh Hóa: giặc giã cướp phá triền miên, làng bản xơ xác, khiến triều đình lo lắng. Trước cảnh quê hương điêu tàn, Phò mã Hai Đào vô cùng căm hận, xin phép vua cha cho cầm quân đi dẹp giặc. Vua sắc phong cho Phò mã làm Tướng, cấp lương thực, khí giới, voi ngựa đủ dùng. Hai Đào trở về quê hương, chiêu mộ thêm binh mường, rèn thêm vũ khí rồi chọn ngày lành, tháng tốt xuất quân. Sau nhiều trận chiến đấu cam go (lúc thắng, lúc thua). Song dưới sự chỉ huy tài tình, mưu lược của Tướng quân Hai Đào, quân ta đã giành chiến thắng trên toàn tuyến biên giới từ Tén Tằn đến Mường Xia, giữ yên biên ải. Nhân dân vùng Tén Tằn được trở về quê cũ yên ổn làm ăn, yêu quý vị Phò mã Tướng quân nên họ gọi ông là Phò mã Tén Tằn. Lập được công lớn, Tướng quân Hai Đào được triều đình phong chức quan Tư mã, bởi vậy ông được gọi là Tư mã Hai Đào. Đất nước yên bình, Quan Tư mã cho dựng đồn canh ở biên giới Tén Tằn, chia đất được phong cấp cho binh tướng dưới quyền cai quản: “Ót Đọ cho quản đất Mường Chanh. Ót Đanh đất Pùng, Xim, Lý, Lát”. Còn ông, thấy đất Mường Xia là một thung lũng rộng lớn, có hệ thống núi pha Dùa bao quanh, là nơi gặp gỡ của sông Luồng suối Xia tạo thành bãi bồi màu mỡ. Địa thế ấy vừa thuận lợi việc trồng cấy lương thực, vừa có thể làm bãi quần ngựa luyện quân. Nơi đây lại có tuyến đường bộ sang đồn Tén Tằn, cơ động bảo vệ cả tuyến dài biên giới. Và từ đây cũng thuận tiện cho ngài về thăm quê cũ Mường Đào. Vì thế, Quan Tư mã xin phép nhà vua cho xây dựng thủ phủ để cai quản các Mường (Mường Xia, Mường Mìn, Mường Chu Gia, Mường Chu Sang). Từ đó dân bỏ Mường Xia đi trước kia sang tận Mường Bén, Mường Xôi (nước Lào) cũng lần lượt quay về Mường Xia sinh sống, biến mường mất trở nên trù phú; Dưới sự cai quản của Quan châu Xia, tình hữu nghị giữa hai quốc gia có chung biên giới, hai dân tộc Việt – Lào anh em ngày càng trở nên thân thiết.

Sau khi Tư mã Hai Đào mất, người dân Mường Xia an táng ông vào một trong những hang động trên núi Pha Dùa “làm thần thiêng sông núi”, giữ cho cả Mường Xia vía yên, vía khỏe… Và Nhân dân Mường Xia cũng lập đền thờ ngài, quanh năm hương khói và mở hội tri ân. Vị thần thiêng được“Hai mươi thần nhà trời hộ vệ”, ai đi qua cũng phải cung kính:“Quan đi qua xuống võng, người đi qua xuống ngựa, đi bộ lột nón ra sau…Ai cũng cúi đầu tôn nghiêm khi qua đền Tư Mã”. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự tác động của gió núi, mưa ngàn dẫn đến: “Miếu mạo công thần xen mái cỏ, Lăng phần liệt thánh lẫn cây ngàn”. Dấu tích thủ phủ làm việc và nhà ở của Quan châu Xia ngày nay là khu vực đặt Hòn Đá vía, cạnh nhà văn hóa bản Chung Sơn, xã Sơn Thuỷ.

Hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, được sự thống nhất của thường trực Huyện ủy,HĐND,UBND huyện Quan Sơn và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con trong vùng. Huyện Quan Sơn xây dựng lại đền thờ thần Tư Mã trên khuôn viên cũ của di tích vào năm 2009 – 2010, phục dựng lễ hội hàng năm để tưởng nhớ công ơn của ngài. Năm 2022-2023 Đền thờ Tư Mã Hai Đào được tôn tạo cảnh quan khuôn viên.

Ngày nay, đền thờ tọa lạc trên nền đất cao ráo, thoáng đãng, tựa lưng vào dãy núi Pha Dùa, ngoảnh mặt ra ngã ba sông Luồng, suối Xia. Bên cạnh di tích có đường liên xã đi cửa khẩu Na Mèo nên rất thuận lợi cho du khách viếng thăm.

 Khuôn viên Đền thờ đã được quy hoạch tổng thể, gồm có các hạng mục công trình:

Cổng đền: được xây thành hai trụ biểu, đế trụ kiểu trái giành, thân trụ vuông đắp gờ chỉ, lồng đèn đắp hoa văn, trên cùng gắn phượng lật. Giữa hai trụ là cửa cuốn vòm tạo thành lối vào đền. Qua nhiều bậc thang đá lát, hai bên xây tường lan can chạy dọc theo bậc thang để lên sân đền; Sân đền được chia thành 2 cấp gồm sân hạ lát đá và sân thượng lát gạch bát đỏ.

Trên khuôn viên sân đền xây bồn trồng cây gọn gàng, đẹp mắt. Xung quanh đền xây tường bao, trên tường trang trí các hoa văn chữ Thọ tạo ra sự thông thoáng và mềm mại, mặt tường gắn ngói tạo thành hai mái dốc thể hiện sự vững chãi, bề thế.

Đền thờ: Là ngôi nhà kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm Tiền đường và Hậu cung; hệ khung vì được tạo tác bằng bê tông cốt thép, sơn màu giả gỗ, tường bao được xây bằng gạch vữa xi măng. Tiền đường thiết kế hai tầng 8 mái, cổ diêm; Phần mái đổ bê tông, phía trên dán ngói vẩy; bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, tàu đao góc mái trang trí rồng mây cách điệu tạo nên sự bề thế, uyển chuyển cho công trình. Với 3 gian Tiền đường được trổ 3 cửa, để thuận lợi khi làm lễ.

Hậu cung nối liền với Tiền đường ở gian giữa, phần mái Hậu cung chính là mái dưới của Tiền đường trùm lên. Tại đây đặt hương án gỗ, bên trên bài trí long ngai, bài vị, bát hương thờ Tư Mã Hai Đào.

Trên sân đền có cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi, là minh chứng cho sự tồn tại của ngôi đền trong lịch sử. Trải qua thời gian, cây vẫn xanh tươi, tỏa bóng che mát cho sân đền, tạo nên không gian cổ kính cho di tích.

Về bên trái ngôi đền (tính từ trong ra) là ao Vua. Từ sân đền xuống ao vua được lát đá tạo thành bậc thang nhiều cấp. Ao vua là một trong những công trình được phục dựng lại cảnh quan xưa của di tích. Đồng thời nó cũng là nét tô điểm tạo nên vẻ đẹp hài hòa trong khuôn viên di tích.

 Ngoài đền thờ chính, tại xã Sơn Thủy còn có 4 điểm thờ tự khác liên quan đến vị thần Tư Mã là: Xứa Tú Nặm, Miếu thờ dưới chân núi Pha Dùa; Lặc Mắn (Điểm đặt Hòn Đá vía); Xần Cuống Xộp Xia và Xần Piềng Phay tạo thành ngũ hành âm dương theo quan niệm của người Thái. Đó là di sản vật thể to lớn mà cha ông để lại cho chúng ta.

Cùng với di sản vật thể thì Lễ hội Mường Xia cũng là một di sản phi vật thể vô cùng quý báu được truyền lại cho đến hôm nay. Nó có sức lan tỏa rộng rãi, không chỉ thu hút Nhân dân Quan Sơn tham gia mà còn du khách thập phương và cả Mường Bén, Mường Xôi của nước bạn Lào. Sự cộng cảm về văn hóa là yếu tố tạo nên tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xây đắp tình hữu nghị nơi biên giới Việt -Lào. Bởi thế mà Lễ hội Mường Xia đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022.

 

Phòng VH&TT