Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng 17/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy (BCH) PCTT, TKCN&PTDS tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan, các thành viên BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh Thanh Hóa; Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu huyện Quan Sơn

          Dự hội nghị, tại điểm cầu huyện Quan Sơn, đồng chí Lương Tiến Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện; lãnh đạo các xã trọng điểm về thiên tai trên đại bàn huyện và các tổ chức, đơn vị khác có liên quan.

Đồng chí Cao Văn Cường - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh trình bày báo cáo tổng kết.

        Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo PCTT, TKCN&PTDS tỉnh, năm 2021 trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 30 trận thiên tai, trong đó có 3 cơn bão, 1 cơn áp thấp nhiệt đới, 8 đợt mưa lớn, 5 trận lốc sét kèm theo mưa, 4 trận sạt lở đất, 6 đợt nắng nóng, 3 đợt rét đậm rét hại. Trên đất liền xảy ra 357 vụ tai nạn, 78 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy rừng; trên biển xảy ra 50 vụ tàu thuyền đâm va, chìm và cháy, 2 vụ tràn dầu, 2 vụ đuối nước thương tâm… Trong năm, thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương, 39 nhà ở dân cư bị thiệt hại, 33 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nhiều gia súc, gia cầm bị cuối trôi và chết, nhiều diện tích cây trồng và hoa màu bị thiệt hại, 44 vị trí trên các tuyến giao thông bị sạt lở ta luy... Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2021 khoảng 66,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều năm trước. Theo kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021 của Trung ương, Thanh Hóa là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác phòng chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai hiệu quả nhất.

        Thảo luận tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT, TKCN&PTDS năm 2021 để rút bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc để đưa ra những giải pháp để tháo gỡ, thực hiện trong năm 2022. Cùng với đó, đại đại Ban chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh giới thiệu DEMO Cổng thông tin điện tử mới về công tác PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa. Đây là trang điện tử liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, công điện, công tác chỉ đạo về PCTT&TKCN; có điện thoại đường dây nóng của Văn phòng Thường trực BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật; kế hoạch; công văn… và nhiều nội dung liên quan đến công tác PCTT, TKCN&PTDS.

Đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chủ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị  

        Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh và BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của nhiều tập thể, cá nhân trong công tác PCTT, TKCN&PTDS năm 2021. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhất là sự phối  hợp giữa các ngành, các địa phương còn mang tính chiếu lệ, có nhiều tình huống khi thiên tai xảy ra mới tổ chức triển khai phương án ứng phó; nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; còn nhiều hộ dân sinh sống ở những nơi nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính.

        Về nhiệm vụ PCTT, TKCN&PTDS năm 2022, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, các địa phương triển khai 12 nhóm nhiệm vụ chính nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo đó, tất cả phải thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chuẩn bị các phương án, kịch bản, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng phó khi có sự cố, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho Nhân dân. Các địa phương phải kiện toàn lại BCH PCTT, TKCN&PTDS; tổ chức đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ trước mùa mưa bão. Các ngành, đơn vị và các địa phương khẩn trương cho rà soát, đánh giá lại hiện trạng các công trình PCTT thuộc phân cấp quản lý, nhất là đê điều, hồ đập, chú ý các cống, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát lũ… Với các công trình thủy lợi và PCTT đang sửa chữa hoặc thi công dở dang, các đơn vị chủ quản và các chủ đầu tư phải đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy công năng trước mùa bão lũ.

        Đối với các thành viên BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên về địa bàn được giao phụ trách, nắm bắt tình hình, tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. UBND cấp huyện khẩn trương hoàn thiện thủ tục triển khai các khu tái định cư, nhà ở xen ghép để sớm tổ chức di dời những hộ đang sinh sống trong vùng nguy hiểm, vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tỉnh, truyền thanh các huyện tăng cường thông tin về các trọng điểm đê điều, hồ đập không an toàn, những vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để người dân nắm bắt được thông tin, chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

        Nhân dịp này, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã công bố quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT, TKCN & PTDS của tỉnh trong năm 2021.

                                                                                                   Kim Chung