Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Sáng 25/4/2022, tại trụ sở Văn phòng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Điểm cầu Chính phủ

Đồng chí Lương Tiến Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Quan Sơn

        Tại điểm cầu huyện Quan Sơn, đồng chí Lương Tiến Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các đơn vị liên quan.

        Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Đồng thời, đánh giá toàn diện công tác phòng chống thiên tai năm 2021, những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng chống thiên tai năm 2022; trong đó, cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất; góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19, xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.

  

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Quan Sơn

        Trong năm qua, tình hình thiên tai ở nước ta tuy không diễn ra khốc liệt và dị thường nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực vẫn chưa được phục hồi. Trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai; trong đó, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 326 trận giông, lốc sét, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất, 403 điểm sạt lở nguy hiểm… Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020) thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020). 

        Mặc dù, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trong năm 2021 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

        Cũng tại hội nghị, đại diện các tỉnh: Hà Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Cà Mau đã có các tham luận, đóng góp ý kiến kiến nghị tới Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược lâu dài cho công tác phòng chống thiên tai.

        Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai.

        Dự báo năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, có 5 đến 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai như: Hệ thống giám sát, quan trắc, dự báo thiên tai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai; đồng thời, bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai.

        Các bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục hậu quả phù hợp với tình hình mới nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra… 

                                                                                                        

Kim Chung