Thanh Hóa ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

Ngày 29/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định sô 4308/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

1. Mục tiêu, đối tượng áp dụng

1.1. Mục tiêu

1.1.1. Theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

1.1.2. Xây dựng công cụ đánh giá để xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của ngành, địa phương.

1.1.3. Hàng năm tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương.

1.2. Đối tượng áp dụng

1.2.1. Các sở, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã); các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

1.2.2. Các đơn vị thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng, gồm: Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.

2. Bộ tiêu chí, thang điểm đánh giá, xác định Chỉ số CCHC

2.1. Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC

2.1.1. Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC các sở, ngành cấp tỉnh: Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC các sở, ngành cấp tỉnh gồm 07 nội dung với 40 tiêu chí và 64 tiêu chí thành phần. Cụ thể:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 06 tiêu chí và 10 tiêu chí thành phần.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành: 04 tiêu chí và 09 tiêu chí thành phần.

c) Cải cách thủ tục hành chính: 07 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần.

d) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 03 tiêu chí và 07 tiêu chí thành phần.

đ) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 09 tiêu chí và 06 tiêu chí thành phần.

e) Cải cách tài chính công: 05 tiêu chí và 05 tiêu chí thành phần.

g) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử: 06 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần. (Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC sở, ngành cấp tỉnh chi tiết tại Bảng 1 kèm theo Quyết định này).

2.1.2. Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp huyện: Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp huyện gồm 7 nội dung với 40 tiêu chí và 84 tiêu chí thành phần. Cụ thể:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 07 tiêu chí và 09 tiêu chí thành phần.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật tại cấp huyện: 04 tiêu chí và 10 tiêu chí thành phần.

c) Cải cách thủ tục hành chính: 09 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần.

d) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 04 tiêu chí và 09 tiêu chí thành phần.

đ) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 07 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần.

e) Cải cách tài chính công: 03 tiêu chí và 09 tiêu chí thành phần. g) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử: 06 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần. (Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp huyện chi tiết tại Bảng 2 kèm theo Quyết định này).

2.1.3. Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp xã: Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp xã gồm 07 nội dung với 34 tiêu chí và 51 tiêu chí thành phần. Cụ thể:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 06 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần.

b) Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật tại địa phương: 03 tiêu chí và 06 tiêu chí thành phần.

c) Cải cách thủ tục hành chính: 08 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần.

d) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 04 tiêu chí và 03 tiêu chí thành phần.

đ) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: 04 tiêu chí và 05 tiêu chí thành phần.

e) Cải cách tài chính công: 04 tiêu chí và 03 tiêu chí thành phần. g) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử: 05 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần. (Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp xã chi tiết tại Bảng 3 kèm theo Quyết định này).

2.2. Thang điểm đánh giá, xác định Chỉ số CCHC Thang điểm đánh giá, xác định Chỉ số CCHC là 100 điểm. Trong đó:

2.2.1. Các đơn vị tự đánh giá, chấm điểm đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần: tối đa 82 điểm (Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3).

2.2.2. Điểm đánh giá qua điều tra, khảo sát hài lòng: tối đa 18 điểm (sử dụng kết quả khảo sát hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị theo Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính).

3. Phương pháp đánh giá, xác định Chỉ số CCHC 3.1. Tự đánh giá, xác định Chỉ số CCHC

3.1.1. Đối với các sở, ngành cấp tỉnh: các sở, ngành tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của đơn vị (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc) theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong “Bảng 1 - Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC các sở, ngành cấp tỉnh” và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Đơn vị có thể thuyết minh, giải trình phần tự đánh giá, chấm điểm trực tiếp trong báo cáo đánh giá (tại cột ghi chú) hoặc tại văn bản giải trình đính kèm. Điểm tự đánh giá của các sở, ngành được thể hiện tại cột “Điểm tự đánh giá” của Bảng 1.

3.1.2. Đối với UBND cấp huyện: UBND cấp huyện tự theo dõi, đánh giá và tự chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của đơn vị và các đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong “Bảng 2 - Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp huyện” và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Đơn vị có thể thuyết minh, giải trình phần tự đánh giá, chấm điểm trực tiếp trong báo cáo đánh giá (tại cột ghi chú) hoặc tại văn bản giải trình đính kèm. Điểm tự đánh giá của UBND cấp huyện được thể hiện tại cột “Điểm tự đánh giá” của Bảng 2.

3.1.3. Đối với UBND cấp xã: UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tự đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cấp xã theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong “Bảng 3 - Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp xã”.

3.2. Điều tra, khảo sát mức độ hài lòng

3.2.1. Điểm đánh giá qua điều tra, khảo sát mức độ hài lòng được thể hiện tại cột “Điều tra xã hội học” của Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3. Các đơn vị không tự đánh giá tiêu chí này; Tổ thẩm định công nhận và cho điểm trên cơ sở Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát hài lòng hàng năm đã được Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổng hợp, công bố.

3.2.2. Việc điều tra, khảo sát hài lòng được tiến hành khi tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính thông qua phiếu khảo sát (thực hiện theo Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).

3.3. Thẩm định kết quả tự đánh giá, xác định Chỉ số CCHC

3.3.1. Đối với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện: điểm tự đánh giá của các đơn vị được Tổ thẩm định (do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập) xem xét, công nhận. Kết quả điểm do Tổ thẩm định công nhận được thể hiện tại cột “Điểm thẩm định” của Bảng 1 và Bảng 2.

3.3.2. Đối với UBND cấp xã: UBND cấp huyện thẩm định, công bố Chỉ số CCHC đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) kết quả đánh giá, xếp hạng đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Thực hiện đánh giá

4.1. Đối với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện

4.1.1. Tự đánh giá, chấm điểm để xác định Chỉ số CCHC:

a) Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tự đánh giá và chấm điểm thực hiện cải cách hành chính theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC tại Bảng 1 và Bảng 2. b) Thời hạn gửi Báo cáo tự đánh giá chấm điểm Chỉ số CCHC và tài liệu kiểm chứng kèm theo về Tổ thẩm định (qua Sở Nội vụ): trước ngày 25/12 hàng năm.

4.1.2. Tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá:

a) Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ thẩm định để thẩm định việc tự đánh giá, chấm điểm của các đơn vị và dự kiến xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính đối với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tổ thẩm định được thành lập từ 07 đến 09 người; thành viên Tổ thẩm định là đại diện Lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan liên quan; Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng; Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Tổ thẩm định.

b) Tổ thẩm định có nhiệm vụ: (i) Xem xét hồ sơ đánh giá, thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm để xác định Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện. (ii) Tổng hợp, chuyển kết quả thẩm định, đề xuất xếp hạng về Sở Nội vụ để phê duyệt kết quả xác định Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Tổng hợp, chuyển kết quả thẩm định, đề xuất xếp hạng về Sở Nội vụ để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả xác định Chỉ số CCHC và xếp hạng Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

c) Thành viên Tổ thẩm định thực hiện xem xét, đánh giá đối với Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm kết quả cải cách hành chính của các đơn vị theo lĩnh vực được phân công; gửi kết quả đánh giá về Sở Nội vụ (cơ quan thường trực của Tổ thẩm định) trước ngày 05/01 hàng năm để tổng hợp, xây dựng báo cáo. Hồ sơ thẩm định gồm: Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm kết quả CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; hồ sơ, tài liệu kiểm chứng tương ứng với tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC; thông tin, số liệu theo dõi từ các cơ quan chuyên môn được giao chủ trì các nội dung cải cách hành chính có liên quan.Kết quả điểm do Tổ thẩm định công nhận là kết quả cuối cùng để xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

4.2. Đối với UBND cấp xã

4.2.1. Tự đánh giá, chấm điểm để xác định Chỉ số CCHC:

a) UBND các xã, phường, thị trấn tự đánh giá và chấm điểm thực hiện cải cách hành chính theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần quy định tại Bảng 3 - Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp xã.

b) Thời hạn gửi Báo cáo tự đánh giá chấm điểm Chỉ số CCHC và tài liệu kiểm chứng kèm theo về UBND cấp huyện trước ngày 15/12 hàng năm.

4.2.2. Tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá:

a) UBND cấp huyện thực hiện việc thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm và xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 25/12 hàng năm.

b) Tùy tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Tổ thẩm định để đánh giá, thẩm định kết quả tự đánh giá của UBND cấp xã. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định do Chủ tịch UBND cấp huyện quy định.

5. Xếp hạng Chỉ số CCHC

5.1. Xác định Chỉ số CCHC

5.1.1. Điểm đánh giá của Tổ thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra, khảo sát hài lòng được thể hiện tại cột “Điểm đạt được”.

5.1.2. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa (100 điểm). Chỉ số CCHC của các đơn vị được thể hiện ở dòng cuối cùng của Bảng 1, 2, 3. 5.1.3. Chỉ số thành phần theo lĩnh vực, tiêu chí được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng lĩnh vực, tiêu chí.

5.2. Xếp hạng Chỉ số CCHC Việc xếp hạng Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được tính trên cơ sở tổng điểm của các tiêu chí theo nhóm thứ tự từ đơn vị có điểm cao đến đơn vị có điểm thấp so với số điểm tối đa và được xếp hạng như sau:

5.2.1. Đạt từ 90% số điểm trở lên so với số điểm tối đa: Xếp loại xuất sắc.

5.2.2. Đạt từ 80% đến dưới 90% số điểm so với số điểm tối đa: Xếp loại tốt.

5.2.3. Đạt từ 70% đến dưới 80% số điểm so với số điểm tối đa: Xếp loại khá.

5.2.4. Đạt từ 50% đến dưới 70% số điểm so với số điểm tối đa: Xếp loại trung bình.

5.2.5. Đạt dưới 50% số điểm so với số điểm tối đa: Xếp loại yếu.

6. Báo cáo và công bố Chỉ số CCHC

6.1. Trên cơ sở đánh giá của các thành viên Tổ thẩm định, Sở Nội vụ tổng hợp, xây dựng báo cáo, thực hiện công bố Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

6.2. UBND cấp huyện thực hiện đánh giá, công bố Chỉ số CCHC hàng năm của UBND cấp xã.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Sở Nội vụ

7.1.1. Là cơ quan thường trực của Tổ thẩm định về đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, có nhiệm vụ:

a) Hướng dẫn các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện triển khai việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của ngành, địa phương.

b) Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện về công tác theo dõi, đánh giá và xác định Chỉ số CCHC.

c) Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ thẩm định để thẩm định kết quả tự đánh giá chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong theo dõi, đánh giá thông qua phần mềm đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC; mở rộng phần mềm đánh giá đến UBND cấp xã.

7.1.2. Hàng năm lập dự toán kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt.

7.1.3. Báo cáo kết quả xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; công bố Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

7.2. Văn phòng UBND tỉnh

7.2.1. Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện việc điều tra, khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 28/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

7.2.2. Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả khảo sát hài lòng của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện phục vụ cho việc đánh giá Chỉ số CCHC.

7.3. Sở Tài chính Cân đối, bố trí nguồn lực và hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung về xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thanh quyết toán theo quy định. Đồng thời, khai thác các nguồn lực khác từ các dự án (nếu có) để hỗ trợ cho quá trình tổ chức thực hiện.

7.4. Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện

7.4.1. Triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của đơn vị, địa phương; tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.

7.4.2. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi cố ý làm sai lệch kết quả xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

7.4.3. UBND cấp huyện tổ chức triển khai việc đánh giá, chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC cấp xã trên địa bàn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả Chỉ số CCHC của các đơn vị cấp xã thuộc thẩm quyền (qua Sở Nội vụ). 7.5. UBND cấp xã: Thực hiện tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của địa phương theo hướng dẫn của UBND cấp huyện.

8. Kinh phí thực hiện

8.1. Kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

8.2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai xác định Chỉ số CCHC được thực hiện hàng năm theo quy định

Phòng VHTT theo Cổng TTĐT Thanh Hóa