“Giáo Sơn” - Người của tao rồi vớ…

Từ thị trấn Quan Sơn ngược lên Sơn Thuỷ chỉ mất khoảng hơn 2 giờ đi ôtô, ước chừng hơn 50km theo đường chim bay. Nhưng sự hoang vu, tưởng chừng biệt lập với thế giới bên ngoài....

“Ơn giáo Sơn nhiều lắm”
Từ thị trấn Quan Sơn ngược lên Sơn Thuỷ chỉ mất khoảng hơn 2 giờ đi ôtô, ước chừng hơn 50km theo đường chim bay. Nhưng sự hoang vu, tưởng chừng biệt lập với thế giới bên ngoài của bản Mùa Xuân khiến hành trình chuyến đi của tôi viết về thầy giáo Hà Thanh Sơn- một tấm gương điển hình của ngành giáo dục huyện Quan Sơn miền núi thật lắm gian nan. 
Vượt khoảng hơn hai chục ngọn núi chon von dựng đứng như lên trời cùng thung sâu hun hút, đoạn đường mỗi lúc như dài hơn khi muỗi và vắt túa ra. Gọi là đường, nhưng thực ra là đường rừng của người dân đi nương vừa được bà con trong bản phát quang mở rộng thêm, có chỗ phải vượt qua ngầm nước sâu qua suối, nếu trượt chân chỉ có lăn nhào xuống vực. Màn đêm ập xuống nhanh, đầu bản, mấy đứa trẻ cởi truồng, đen nhẻm đang bì bõm dưới suối lấm lét ngước nhìn và đưa tay chỉ về phía trước khi tôi hỏi điểm trường Tiểu học Sơn Thủy tại bản Mùa Xuân nơi đó có thầy Sơn đang công tác...
Hà Thanh Sơn được đồng nghiệp và nhân dân nơi đây đặt cho biệt hiệu là Sơn Mông thật trìu mến. Bởi đơn giản không chỉ anh có thời gian “cắm chốt” tại bản Mùa Xuân - bản người Mông của xã Sơn Thủy lâu năm nhất mà những nghị lực và ý chí bền bỉ cùng với những việc làm của Sơn đã thực sự lan tỏa, khi anh đã thực thụ được bà con “kết nạp” coi là những người con của rẻo cao đại ngàn hùng vĩ Thanh Hóa này.


Thầy giáo Hà Thanh Sơn bên trang giáo án


Anh quê huyện Thọ Xuân, tốt nghiệp trường Trung học sư phạm năm 2001, ra trường Sơn hăm hở “xách ba lô lên và đi” ngót ngét tính đến nay khoảng gần 20 năm thì cũng chừng ấy gắn bó với đồng bào Mông. Anh kể, ngày đầu công tác, khi nhà trường “tuyển” các thầy cô lên dạy tại bản Mùa Xuân ngoài năng lực chuyên môn, sự dũng cảm vượt khó, khả năng ngôn ngữ, còn một tiêu chí luôn được nhà trường tính đến đó là phải biết... uống rượu. Anh thì “lính mới” tò te, rượu chưa biết uống, tiếng Mông tậm tịt, vốn sống với đồng bào bằng không. Bù lại ngoài anh, công tác tại bản Mùa Xuân nhà trường còn tăng cường thêm thầy Vi Văn Ngâm - một thầy giáo có sức uống rượu "chấp cả bản" đi cùng. Nghe đến đây, tôi hỏi anh: “Chắc ngần ấy năm bám trụ với Mùa Xuân tửu lượng cũng khá phỏng?”. Anh cười: "Anh tin không? Khi cần giao lưu với đồng bào em cũng chỉ tập toạng được vài chén là say nhưng hiện em đã vận động được một số bà con và tham gia cùng ban quản lí bản xây dựng hương ước hạn chế dùng rượu đấy. Với bà con người Mông chỉ có thể khuyên giải từ từ và cần mẫn, rượu đã ngấm vào máu thịt, đã thành một nét sinh hoạt văn hoá rồi”. 
Những ngày đầu đến bản Mùa Xuân với Sơn thật ngỡ ngàng, ngoài trí tưởng tượng, mặc dù trước đó anh đã có mấy chuyến đi tình nguyện hè lên các huyện miền núi thấp. Anh rất bất ngờ với cơ sở vật chất của điểm trường Tiểu học Sơn Thủy lúc bấy giờ, chỉ vỏn vẹn ba gian tranh tre nứa lá ọp ẹp khu trú trên thẹo đất rìa ruộng hoang cằn cỗi. Hai gian đầu được dành cho lớp học ghép từ lớp 1 đến lớp 5, gian kế bên là nơi ăn ở của giáo viên. Năm đầu đi dạy, anh vẫn còn nhớ như in khi sắp đến giờ tan học. Có một cơn giông đầu mùa kèm gió lốc bất thần sộc đến xô đổ cổng trường làm cho hơn hai mươi ba học sinh tại điểm trường nháo nhác. Nhanh như cắt anh và đồng nghiệp huy động mấy em học sinh lớp 5 lôi vội hơn mười cái bàn và những cái ghế được làm từ những thân gỗ tròn chắc chắn rồi cho học sinh lớp 5 đè lên học sinh lớp 1 chụm lại thu lu dưới gầm bàn. Sau khi kiểm tra đầy đủ học sinh đã ẩn nấp an toàn, anh tức tốc khua trống trường báo động. Ngoài trời, gió giật liên hồi, mưa xả tới tấp vào tận người học sinh. Như tiên đoán của anh, cả dãy nhà đã sụp đổ trong phút chốc khi cơn giông tràn qua. Thật hú vía. Khi phụ huynh nghe tiếng trống trường báo động, tất bật chạy đến đón trẻ cũng là lúc học sinh đang lóp ngóp chui từ gầm bàn lên bấu chặt áo bố mẹ mà chưa hết bàng hoàng. Còn bố mẹ chúng ùa đến, nắm  chặt tay thầy Sơn run run: “Ơn giáo Sơn nhiều lắm mà...”. 
“Học theo giáo Sơn”
Tâm sự cùng anh, khiến tôi cũng rất đau đáu như Sơn với những điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất mà những người thầy giáo vùng cao các anh đang gặp phải. Mong muốn có một điểm trường khang trang “trường ra trường, lớp ra lớp” tại Mùa Xuân nay đã trở thành hiện thực. Nhưng cách đây gần mười lăm năm về trước thật khó khăn trăm bề. Do đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, sự quan tâm của nhà nước với các chính sách kiên cố hóa trường lớp học mới chỉ đủ để xây dựng các khu trường chính. Các điểm trường lẻ như bản Mùa Xuân chắc chắn phải trông chờ vào sự huy động chung tay của bà con rất nhiều, khó hơn, một bộ phận người dân vẫn còn le lói đâu đó tư tưởng trông chờ, ỷ lại, quen thuộc với sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Chẳng đừng, nghĩ là làm. Hè năm 2002- hè năm đầu tiên của cuộc đời nhà giáo, tất thảy giáo viên các điểm trường hối hả về nghỉ hè. Sơn cũng vậy. Nhưng anh về thăm nhà đúng một tuần lễ, đoàn tụ sum họp bên gia đình rồi lại tất bật ngược lên Mùa Xuân cùng nhà trường bàn bạc với già làng vận động từng bà con trong bản tham gia chung tay làm trường theo ý tưởng lớp ghép. Sau gần ba tháng kiên trì vận động, thuyết phục và “lăn vào làm” của gã sơn tràng chính hiệu là thầy Sơn cùng với hơn 70 hộ gia đình đồng bào Mông nơi đây một điểm trường mới khang trang đã hiện hữu đủ vững chãi khắc chế lại câu ca ai oán về một thuở thời tiết khắc nghiệt của nơi này: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Mùa Xuân”...
Hôm khánh thành công trình với bà con người Mông thực sự là một ngày hội. Với Sơn cũng thật vui nhưng còn vui hơn khi đúng hôm đó anh đã trích tiền lương ít ỏi của mình nhờ bạn bè mua giúp một tua bin phát điện. Lúi húi hơn hai ngày cùng một số thanh niên trong bản, anh đã đắp đập chặn một khúc cua nhỏ con suối  tạo một công trình thủy điện mi ni. Ngắm bốn phòng học và nhà ở giáo viên mới được cất được lên bằng gỗ, lợp mái sa mu thơm ngát dựa lưng vào dãy núi lung linh trong ánh điện,  khiến mọi người thật xúc động không cầm được nước mắt. Từ đây, học sinh của bản thật hào hứng vui đến trường mới. Quan trọng hơn, ngôi trường hoàn thành giúp cho Sơn thêm vững niềm tin về sức mạnh lòng dân, về công tác dân vận mà những người làm công tác giáo dục như anh không được phép ngưng nghỉ.
Một phong trào “học theo giáo Sơn” được bí thư chi bộ bản Mùa Xuân Sung Tông Dính quả quyết kể: Từ ngày được “mục sở thị” công trình máy thủy điện mi ni của thầy Sơn, đang từ một bản người Mông đặc biệt khó khăn và là “địa chỉ trắng” trên bản đồ lưới điện của tỉnh Thanh Hóa, điện đã bừng sáng trên bản Mùa Xuân kể từ năm 2002 khi người dân đã biết tận dụng dòng chảy các khe suối làm thủy điện mi ni phục vụ sinh hoạt. Quả thật, từ khi có nguồn điện này, đời sống của đồng bào Mông đã dần thay đổi. Nói như già Sung Văn Cấn, có điện bà con “sáng ra” nhiều thứ lắm. Rồi phấn khởi kể cho tôi nghe công lao đầu tiên của “giáo Sơn”: "Có điện, bà con xem được ti vi, nghe đài để nắm thông tin, mở mang kiến thức tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu. Chứ không như trước đây bà con thường đi ngủ sớm lắm".


 Học sinh tại bản Mùa Xuân nơi Hà Thanh Sơn công tác


“Ở lâu nhưng không được nghiện” 
Có điện, có trường mới nhưng cái nghèo và đói của người Mông vẫn còn đeo đẳng, khiến cho việc học hành của trẻ em Mùa Xuân gặp nhiều khó khăn. Thấy tôi băn khoăn khi hỏi anh về lần anh phát biểu trước hội nghị điển hình tiên tiến của ngành giáo dục về hành động bỏ tiền túi của mình cùng đồng nghiệp mua vở và đồ dùng học tập cho con em người Mông suốt hơn mười năm qua Sơn chỉ cười. Với lòng nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh như vậy, tại bản Mùa Xuân không có hiện tượng học sinh nghỉ học hay bỏ học giữa chừng. Bản thân anh cùng các thầy cô giáo đã góp phần đào tạo nhiều học sinh thành đạt hiện đang làm bộ đội biên phòng và làm giáo viên các cấp cùng anh tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Với phương châm “Đến từng nhà, rà từng nóc” Sơn đã cùng ban quản lí bản Mùa Xuân làm công tác khuyến học rất tốt. Trong túi, anh luôn có một cuốn sổ tay được ghi chép vắn tắt nhưng kỹ lưỡng với nhiều phụ chú chi chít màu mực khác nhau về tình hình học tập, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh qua nhiều thế hệ khác nhau để khi cần có thể khai thác rất hữu hiệu. Anh kể, có lần, một đồng nghiệp của anh do nôn nóng, trót lỡ dùng thước đánh vào tay học sinh lười viết, quậy phá khiến em bỏ học. Nhà trường “biệt phái” Sơn đi vận động em đến lớp. Biết chuyện, cha đứa bé quả quyết: “Thầy giáo đánh con tao, tao không cho nó đến trường nữa mà”. Nghe xong thầy Sơn ôn tồn: “Ờ, nhưng mà thầy giáo chỉ đánh vào tay thôi, tại cái tay nó lười nhác không chịu viết chữ. Chứ cái người nó thích học. Mai anh cho cháu đi học thôi”. Sau những lời tâm sự thấu tình đạt lí, ngày mai em học sinh kia vui vẻ đến trường như không có chuyện gì xảy ra. 
Thấy Sơn vất vả khi mãi bám trụ, nặng lòng tại Mùa Xuân, nhà trường muốn điều động người khác lên thay anh. Nghe tin, đích thân già Sung và bí thư chi bộ  xuống tìm gặp hiệu trưởng phân trần: “Giáo Sơn, người của tao rồi vớ”, nằng nặc xin anh tiếp tục dạy cho con em lũ làng...
Tôi hỏi Sơn, giả dụ có điều ước với Mùa Xuân lúc này. Sơn đưa tay chỉ con dốc dưới chân mình: “Mong có con đường đủ rộng để dân bớt khổ anh à”. Trước kia mỗi lần Sơn xuống trường chính đi họp phải mất khoảng 6 giờ đi bộ. Hôm tôi lên Mùa Xuân thấy Sơn nói đã tốt hơn nhiều nhưng cũng phải mất khoảng 4 giờ. Một năm, những người dạy bản Mùa Xuân như Sơn thường chỉ có 2 lần về quê, hè và tết. Anh kể, cách đây vài năm có vị khách, lãnh đạo ngành giáo dục lên thăm Mùa Xuân đã gọi Sơn lại và dặn nhỏ: “Ở lâu nhưng chớ có nghiện nhé”. Lời dặn rất thật khiến Sơn nhớ mãi. Anh nhìn tôi tư lự: "Hình như hôm đó, đúng là ngày em nhận được thư người yêu dưới quê đi lấy chồng". Nghe đến đây tôi không hỏi Sơn thêm gì nữa, kịp nhận ra ánh mắt anh chợt trở nên mênh mông, thật xa vắng. Câu chuyện của chúng tôi tạm im lặng, nghe đâu đây lời ru con thật buồn của người đàn bà Mông thảng hoặc vọng về...


Con đường đến bản Mùa Xuân những ngày mưa


Đêm chia tay với Hà Thanh Sơn giữa bản Mùa Xuân làm tôi cứ bần thần mãi, không biết viết về anh sẽ bắt đầu như thế nào. Bởi những việc anh làm thật âm thầm, lặng lẽ, hay nói như kiểu quê anh “không có chi mô”. Nhưng tôi tin, anh tựa như những bông hoa đang lẩn khuất chập chờn giữa muôn ngàn đóa hoa nhiều hương sắc. Và tôi tin hơn, giáo dục miền biên viễn Thanh Hóa này đang cần lắm những người nhiệt huyết, tận tâm, bền bỉ, không quản ngại gian lao, thật cao cả nhưng cũng thật khiêm nhường như Sơn lắm.
Đêm đã khuya, trăng hạ huyền rờ rỡ đầu non. Hơi mát trong lành thổi ra từ hẻm núi ràn rạt thấy thật tỉnh táo. Ngoài hiên khu tập thể, hai thầy giáo trẻ Sơn và Hùng vẫn đang ghì cây đàn ghi-ta dạo bản nhạc do các anh tự sáng tác:
" Nhớ ngày ra đi, mẹ khóc khô cạn dòng lệ
Nhớ ngày ra đi người yêu quay mặt ngậm ngùi...
Giờ đây ta vui, khi học trò của ta khôn ngoan
Giờ đây ta vui, khi bản làng đều xem ta như con..."
Tiếng hát, tiếng đàn lọt thỏm giữa không gian mênh mông của núi rừng đại ngàn, nơi mà chỉ cách bên kia sườn dốc là phên dậu của Tổ quốc. 

Nguyễn Ngọc Huynh - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Lư